Blog

3 ảo tưởng về công việc Marketing của những “tấm chiếu mới”

Marketing – một chức danh nghề nghiệp nghe thật kêu và toát lên vẻ “chanh sả” trong suy nghĩ của những người ngoài cuộc, đặc biệt là trong trí tưởng tượng của những sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Thế nhưng, “sống trong chăn mới biết chăn có rận”, chỉ những người trong cuộc mới thực sự hiểu được nỗi lòng của những người làm công việc Marketing, rằng sự thật thì cái nghề này không chỉ có vẻ hào nhoáng huy hoàng như nhiều người vẫn nghĩ.

Vậy, những ảo tưởng thường gặp về nghề marketing là gì và muốn trở thành một marketer (người làm marketing) thực thụ, bạn cần chuẩn bị tâm lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết kỳ này nhé!

Nghề Marketing là gì?

Cách đây tầm 10 năm, Marketing là một khái niệm chưa thực sự được nhiều người biết tới, đặc biệt là với những người đến từ vùng quê nhỏ như mình. Thuật ngữ Marketing lúc này chỉ phổ biến ở những thành phố lớn hoặc được biết đến bởi lớp trẻ thuộc thành phần gia đình khá giả, có điều kiện ra nước ngoài du học. Theo đám bạn mình kể lại thì Marketing là một chuyên ngành rất “hot”, rất được ưa chuộng đối với các du học sinh thời bấy giờ.

Nói một cách dễ hiểu thì công việc Marketing là một chuỗi những hoạt động, những phương pháp để giúp sản phẩm, dịch vụ của bạn được nhiều người biết đến, qua đó đưa những sản phẩm, dịch vụ của bạn đến tay khách hàng thay vì bị nhân loại quên lãng.

“Có nhiều ảo tưởng về công việc Marketing mà nếu mắc phải, bạn sẽ ngăn cản bản thân gặt hái được nhiều kết quả tích cực.”

Ảo tưởng 1: Tin tưởng rằng chỉ cần học giỏi, ra trường ắt thành marketer giỏi

Người trẻ tuổi thường mắc “căn bệnh” tự tin thái quá, cho rằng mình là một, là riêng, là thứ nhất. Đặc biệt là những bạn tốt nghiệp những ngôi trường danh tiếng thường cho rằng mình đã hiểu rõ mọi khía cạnh của Marketing và hoàn toàn có thể trở thành một marketer giỏi.

Thực tế thì: cuộc sống sẽ tặng bạn một cú bạt tai đau điếng vì bạn bỗng dưng nhận ra mình chẳng là ai giữa cuộc đời này. Kiến thức mình có chỉ như hạt cát giữa sa mạc, giọt nước giữa biển Đông, căn bản chẳng có đất dụng võ. Kế hoạch Marketing ở công ty của bạn sẽ không rập khuôn theo bất cứ kiểu mẫu nào bạn đã từng được học mà yêu cầu bạn phải căn cứ vào tình hình kinh doanh thực tiễn và sự biến động của thị trường để đưa ra các chiến lược hoàn toàn khác biệt.

Ảo tưởng 2: Nghĩ rằng làm công việc Marketing là chỉ lên kế hoạch

Bạn tưởng tượng marketer là planner (người lập kế hoạch, lên chiến lược marketing)? Sự thực thì: marketer là nguyên phòng marketing.

Nghe có vẻ sai sai so với những gì bạn được học đúng không nào? Nhưng đó hoàn toàn là sự thực. Tuy vị trí bạn ứng tuyển là marketer nhưng sếp của bạn sẽ yêu cầu bạn vừa biết lập kế hoạch, vừa biết tạo nội dung, vừa biết thiết kế, vừa biết quay và chỉnh sửa video, vừa biết chạy quảng cáo, vừa biết chọn quà khuyến mãi, thậm chí có đôi khi còn phải biết SEO nữa.

Ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, bạn hoàn toàn có thể trở thành “mama tổng quản” của phòng Marketing và phải vật lộn với đủ thứ trên đời bởi vì “Đó là những công việc nhân viên Marketing phải làm mà?” – sếp bạn thỏ thẻ.

Ảo tưởng 3: Làm marketing sẽ “trên cơ” người khác

Một số bạn cho rằng, Marketing là vị trí quan trọng bậc nhất trong công ty, hẳn nhiên sẽ nhận được sự coi trọng của mọi người, suy nghĩ đó vô hình trung khiến trong lòng bạn nảy sinh một chút cao ngạo.

Thực tế thì: Có đôi khi, bạn chẳng khác nào một chân sai vặt. Có lúc người ta thấy bạn ăn vận sang chảnh, ngồi vắt vẻo sau bàn làm việc, có lúc người ta bắt gặp bạn nhếch nhác chạy đôn chạy đáo với đủ thứ vật dụng lỉnh kỉnh trên tay: lúc thì máy ảnh, lúc thì banner, khi thì standee, có lúc lại là đống vật tư cho một sự kiện nào đó mà công ty bạn sắp sửa tổ chức.

Chưa hết, bạn còn có thể nhận được vô số phàn nàn từ phòng kinh doanh. “Tháng này doanh số đi xuống, không có khách là do marketing làm ăn chán quá”, “Em xem đổi quà khuyến mãi đi, khách không thích”… là những câu quá đỗi quen thuộc mà nhiều lúc không nghe chắc bạn lại cảm thấy trống vắng lạ thường.

Nói tóm lại, bạn nào phải là lãnh đạo của ai, làm sao bạn có thể “trên cơ” người khác?

Thế giới của người trưởng thành không chỉ có màu hồng như trong tưởng tượng của các bạn học sinh, sinh viên. Trong khái niệm của người trưởng thành không có chuyện chọn nghề theo phong trào mà chỉ có sự phù hợp và năng lực đáp ứng của bản thân. Nếu bạn chưa sẵn sàng để trở thành một ngươì đa-zi-năng, có thể hoàn thành tốt mọi công việc sếp giao phó mà không hề phàn nàn hay cố gắng phản biện rằng “Đó không phải việc của em” thì tốt nhất đừng bao giờ chọn công việc Marketing chỉ vì chạy theo “mốt”.

Mong muốn được làm việc đúng theo chuyên môn không sai nhưng cần nhớ, học thêm nhiều kỹ năng không bao giờ là một ý kiến tệ. Biết càng nhiều sẽ càng có lợi cho tương lai sự nghiệp của bạn với công việc Marketing. Vì vậy, ngừng than vãn và hãy dành thời gian đó để học hỏi thật nhiều nhé!

Trang Đoàn

Read more

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC LÚC CHUYỂN VIỆC


Một khi bạn quyết định rời bỏ công ty để nhận lấy một cơ hội ước mơ ở một công ty mới cũng không đồng nghĩa với việc bạn vĩnh viễn không bao giờ liên quan đến công ty cũ, vì vậy hãy để lại ấn tượng tốt ở công ty cũ bằng những việc làm dưới đây.
1. Thông báo mình sẽ nghỉ việc
Bạn nên thông báo mình sẽ nghỉ việc bằng cách viết một mẫu đơn xin nghĩ việc lên ban lãnh đạo, trong thư bạn cảm ơn ban lãnh đạo đã giúp đỡ bạn trong thời gian qua và những gì bạn đã nhận được trong quá trình làm việc tại công ty.
Đồng thời bạn cũng không nên khoe khoan với nhân viên trong công ty về công việc mới, mức lương hấp dẫn mà bạn sẽ nhận, nói xấu, chỉ trích ban lãnh đạo ở công ty hiện tại.
2. Trao đổi thẳng thắn với ban lãnh đạo
Một khi bạn đã quyết định ra đi chắc chắn người lãnh đạo của bạn cũng không giữ lại bạn làm gì nữa, vì vậy bạn nên trao đổi thẳng thắn, nhã nhặn và giữ thái độ chuyện nghiệp. Qua cuộc trao đổi bạn có thể giúp đỡ họ điều gì trước lúc ra đi cũng như giúp họ chỉ định ra người thay thế. Bạn không nên nghỉ đột ngột mà chẳng một lời gì ngoài đơn thôi việc.
3. Bàn giao công việc
Bạn nên bàn giao công việc lại cho người kế nhiệm bằng cách lập danh sách tất cả những công việc hàng ngày, nếu có thời gian bạn nên viết lại hướng dẫn công việc. Nếu bạn không bàn giao cụ thể, rõ ràng có thể bạn sẽ gặp nhiều phiền toái dù đã chuyển sang công ty khác rồi.
4. Hướng dẫn người thay thế
Nên hướng dẫn người thay thế những gì bạn đã biết về công việc. Không nên vì ích kỉ cá nhân, không hài lòng về ban lãnh đạo mà bạn để cho người mới rơi vào tình trạng khó khăn.
5. Báo cáo lại công việc của mình
Đối những công việc mình đã thực hiện, hoặc thực hiện dỡ dang bạn nên báo cáo đầy đủ những việc mình đã làm được và chưa làm được. Như thế người kế nhiệm của bạn không mất thời gian làm lại từ đầu mà họ có thế tiếp tục công việc của bạn một cách thuận tiện.
6. Thông báo thời hạn nghỉ việc đúng luật
Bạn phải báo trước thời hạn nghỉ việc đúng luật để nhận các khoản trợ cấp khi thôi việc. Đồng thời ban lãnh đạo cũng có thể xoay xở tìm người thay thế.
7. Hãy để lại các vật dụng của công ty
Các vật dụng văn phòng phẩm mà công ty đã trang bị cho bạn làm việc thì bạn nên để lại bằng biên bản bàn giao, bạn chỉ mang đi những cái gì của mình, do mình bỏi tiền túi ra mua.
Một khi ra đi không có nghĩa là thể hiện phản ứng tiêu cực của bạn, trái đất tròn mà bạn, nếu đâu sau này công ty cũ và đồng nghiệp cũ cũng là đối tác của bạn thì sao? Vì thế khi ra đi hãy để lại ấn tượng tốt đẹp.

Read more

Kỹ thuật viên điện tử là gì? Tìm hiểu công việc thực tế từ A đến Z

Dù không quá nổi bật như kỹ sư hay lập trình viên, nhưng kỹ thuật viên điện tử vẫn giữ vai trò quan trọng trong hầu hết hệ thống công nghệ hiện nay. Từ dây chuyền sản xuất đến các thiết bị dân dụng, họ luôn là người đứng sau vận hành và sửa chữa. Kỹ thuật viên điện tử là gì và đâu là những điều bạn cần biết trước khi theo đuổi công việc này?

kỹ thuật viên điện tử là gì

Kỹ thuật viên điện tử là gì ?

Kỹ thuật viên điện tử là người thực hiện các công việc lắp đặt, bảo trì, kiểm tra và sửa chữa các thiết bị, hệ thống hoặc mạch điện tử trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, tự động hóa, viễn thông hay dân dụng.

Họ là những người trực tiếp vận hành máy móc, phát hiện sự cố kỹ thuật và đề xuất giải pháp xử lý nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và hiệu quả.

Khác với kỹ sư điện tử thường đảm nhận công việc thiết kế hoặc nghiên cứu, kỹ thuật viên tập trung vào thực hành, thao tác trực tiếp với thiết bị và linh kiện. Họ chính là cầu nối giữa lý thuyết và vận hành thực tế, là người hiểu rõ nguyên lý hoạt động của từng bộ phận và có khả năng điều chỉnh, can thiệp khi có lỗi xảy ra.

Công việc của kỹ thuật viên điện tử đòi hỏi sự chính xác, kiên nhẫn, tư duy logic và kỹ năng thao tác thành thạo. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, vai trò của họ ngày càng quan trọng – từ các dây chuyền sản xuất thông minh đến hệ thống điện tử trong nhà máy, tòa nhà, thậm chí cả thiết bị y tế hay ô tô thông minh.

Học kỹ thuật điện tử ở đâu?

Nếu bạn muốn trở thành kỹ thuật viên điện tử, việc lựa chọn nơi đào tạo phù hợp là bước đầu quan trọng. Hiện nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp và cơ sở đào tạo nghề trên toàn quốc cung cấp chương trình học kỹ thuật điện – điện tử với lộ trình rõ ràng, thực tiễn và sát với nhu cầu tuyển dụng.

Chương trình đào tạo thường gồm hai phần: lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết giúp học viên nắm được các kiến thức nền tảng như mạch điện cơ bản, nguyên lý hoạt động của linh kiện điện tử, kỹ thuật số và tương tự. Phần thực hành tập trung vào thao tác như lắp ráp mạch điện, sử dụng dụng cụ đo lường, kiểm tra thiết bị đơn giản và làm quen với phần mềm mô phỏng như Multisim, Proteus.

Một số trường còn tích hợp các module giới thiệu về tự động hóa, điều khiển bằng vi điều khiển (như Arduino, PLC), giúp học viên bắt nhịp tốt hơn với xu hướng công nghiệp hiện đại.

Khi chọn nơi học, bạn nên ưu tiên các trường có xưởng thực hành hiện đại, giảng viên nhiều kinh nghiệm và liên kết doanh nghiệp để dễ dàng thực tập – xin việc sau khi tốt nghiệp. Một số cơ sở uy tín có thể kể đến như: Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Lý Tự Trọng, Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội,…

Công việc và kỹ năng của kỹ thuật viên điện tử

Kỹ thuật viên điện tử là người trực tiếp tham gia vào quy trình vận hành, lắp đặt, giám sát và sửa chữa các hệ thống hoặc thiết bị điện tử. Công việc của họ diễn ra trong nhiều môi trường khác nhau, từ nhà máy sản xuất, công trình thi công, phòng kỹ thuật cho đến trung tâm bảo hành và dịch vụ khách hàng. Với vai trò này, kỹ thuật viên đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, an toàn và đạt hiệu suất tối ưu.

Tùy thuộc vào lĩnh vực làm việc, họ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể như lắp ráp mạch điện tử theo sơ đồ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng linh kiện đầu vào, vận hành thử thiết bị trước khi bàn giao, phát hiện lỗi kỹ thuật trong quá trình sử dụng, điều chỉnh thông số hệ thống, hoặc thay thế – sửa chữa linh kiện bị hỏng. Ngoài ra, kỹ thuật viên còn có thể tham gia vận hành hệ thống điều khiển tự động, thiết bị dân dụng, máy móc công nghiệp, thậm chí là các thiết bị y tế đòi hỏi độ chính xác cao. Một số vị trí yêu cầu họ lập báo cáo kỹ thuật, đề xuất cải tiến quy trình vận hành hoặc phối hợp với kỹ sư để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Để thực hiện tốt công việc, kỹ thuật viên điện tử cần có khả năng đọc hiểu sơ đồ mạch, phân tích nguyên lý hoạt động của hệ thống, sử dụng thiết bị đo lường như đồng hồ vạn năng, oscilloscope một cách thành thạo. Họ cần có kỹ năng hàn linh kiện chính xác, vận hành thiết bị điện tử công nghiệp an toàn, và lập trình cơ bản cho các bộ điều khiển như PLC, Arduino hoặc vi điều khiển. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật viên cũng cần rèn luyện tư duy phân tích, khả năng giao tiếp hiệu quả trong môi trường kỹ thuật, tác phong làm việc cẩn thận và tinh thần tuân thủ quy trình an toàn – kỷ luật lao động. Những kỹ năng này không chỉ đến từ đào tạo bài bản mà còn được tích lũy qua thực tế làm việc, cọ xát với các tình huống kỹ thuật phức tạp trong môi trường công nghiệp.

Mức lương kỹ thuật viên điện tử bao nhiêu?

Mức lương của kỹ thuật viên điện tử phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, lĩnh vực làm việc và khu vực địa lý. Tại Việt Nam, đối với người mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm, mức thu nhập phổ biến dao động từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Sau khoảng 1–3 năm làm việc, khi đã thành thạo tay nghề và có thể tự xử lý sự cố hoặc đảm nhận các công việc phức tạp, thu nhập có thể tăng lên mức 9–12 triệu đồng/tháng. Với những người làm trong môi trường nhà máy lớn, khu công nghệ cao hoặc các doanh nghiệp FDI, mức lương có thể dao động từ 13 đến 18 triệu đồng, chưa kể các khoản phụ cấp, tăng ca hay thưởng hiệu suất.

Ngoài yếu tố kinh nghiệm, năng lực ngoại ngữ, khả năng vận hành thiết bị hiện đại hoặc hiểu biết về các hệ thống điều khiển tự động cũng là lợi thế giúp kỹ thuật viên đàm phán mức lương cao hơn. Những người nắm vững lập trình PLC, vi điều khiển hoặc từng làm việc trong môi trường tiêu chuẩn quốc tế như ISO, 5S, GMP cũng thường được ưu tiên tuyển dụng và hưởng đãi ngộ tốt.

Nếu có định hướng ra nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức theo diện kỹ thuật hoặc thực tập sinh, mức thu nhập của kỹ thuật viên điện tử có thể từ 30–40 triệu đồng/tháng trở lên, đi kèm với điều kiện làm việc chuyên nghiệp và cơ hội nâng cao tay nghề vượt trội.

Việc làm ngành kỹ thuật điện tử

Ngành kỹ thuật điện tử mang đến nhiều cơ hội việc làm ổn định và đa dạng, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa – tự động hóa đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Kỹ thuật viên điện tử có thể làm việc tại các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, công ty chuyên về lắp ráp thiết bị dân dụng, doanh nghiệp viễn thông, trung tâm bảo hành, khu chế xuất, khu công nghiệp, hoặc trong lĩnh vực điều khiển tự động tại các tòa nhà, bệnh viện, siêu thị, nhà máy thực phẩm, thiết bị y tế.

Tùy vào năng lực và định hướng cá nhân, kỹ thuật viên có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí như nhân viên bảo trì hệ thống điện tử, kỹ thuật viên bảo hành – sửa chữa thiết bị, nhân viên kiểm tra chất lượng đầu ra (QC), kỹ thuật viên vận hành dây chuyền, hoặc hỗ trợ kỹ thuật hiện trường. Với những người có kiến thức về vi điều khiển, IoT hoặc lập trình PLC, cơ hội gia nhập các công ty công nghệ, kỹ thuật điều khiển – tự động hóa sẽ rộng mở hơn rất nhiều.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các công ty FDI tại Việt Nam liên tục đăng tuyển kỹ thuật viên điện tử với mức lương cạnh tranh, môi trường làm việc chuyên nghiệp và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Bên cạnh đó, các chương trình tuyển dụng ra nước ngoài theo diện kỹ thuật cũng thường xuyên tìm kiếm ứng viên có chuyên môn về điện – điện tử. Với tay nghề vững và thái độ cầu tiến, kỹ thuật viên điện tử có thể từng bước phát triển lên các vị trí tổ trưởng, giám sát kỹ thuật hoặc chuyển hướng sang đào tạo nội bộ, tư vấn kỹ thuật.

Tìm hiểu về ngành, chọn nơi học phù hợp, biết rõ công việc cần làm và mức thu nhập có thể đạt được sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn nghề nghiệp chính xác hơn. Kỹ thuật viên điện tử là gì không chỉ là câu hỏi để tham khảo, mà là một gợi ý thực tế cho những ai muốn học nghề nhanh, sớm đi làm và có thu nhập ổn định.

Trí Nhân

Read more

Được hay mất khi quyết định “Nhảy việc”?

Trong cuộc sống ai cũng mong muốn tìm được một công việc thích hợp, thu nhập hấp dẫn và có cơ hội thăng tiến để phát triển sự nghiệp. Vì vậy khi tìm được một công việc mới hấp dẫn hơn công ty hiện tại thì nhiều người sẵn sàng “nhảy việc” để tìm cơ hội mới, tuy nhiên cũng không ít người vẫn cứ khư khư ở lại. Như vậy đâu mới là lựa chọn tốt nhất? nếu ở lại là sự lựa chọn tối ưu thì tại sao vẫn có nhiều người ra đi?. Vấn đề có vẻ đơn giản, nhưng cũng thật nan giải cho những ai đang lưỡng lự trước lời mời từ một công ty khác.

Lý do để ở lại

Đối với nhiều người công ty cũng như là gia đình thứ hai của họ, ngoài gia đình thì phần lớn thời gian họ ở công ty. Vì vậy nơi đây đã trở nên quá thân thiết và gần gũi, họ không muốn rời xa đồng nghiêp rời xa những gì dường như đã thuộc về mình, đây là tâm lý chung của những người có lối sống thiên về tình cảm.

Tuy nhiên đó không phải là tất cả, mà quan trọng hơn hết là họ không muốn từ bỏ những gì mình đã dày công theo đuổi, nói vui kiểu dân gian là “sống lâu lên lão làng”. Thật tế là vậy, đối với nhiều trường hợp thì thâm niên càng lâu cũng đồng nghĩa với địa vị và quyền lợi càng cao. Vì vậy việc họ ở lại công ty hiện tại, cho dù thu nhập không hấp dẫn bằng những công ty khác đang mời gọi thì cũng không có gì khó hiểu.

Hơn nữa họ không muốn mạo hiểm những gì mình đang có, họ không biết được những gì đang đợi mình phía trước – thành công hay thất bại nếu gia nhập vào môi trường mới. Vì vậy việc gắn bó với công việc hiện tại là một lựa chọn vô cùng an toàn và bền vững. Hay chỉ đơn giản là họ không muốn bắt đầu lại từ đầu, họ hài lòng với thực tại. Câu châm ngôn: “hãy biết hài lòng với những gì mình đang có” đã được áp dụng tối đa trong trường hợp này.

Nếu bạn không phải là tuýp người năng động, lối sống có phần khép kín không thích sự bon chen, thì việc cống hiến lâu dài ở một nơi cũng là lựa chọn tốt. Tuy nhiên nếu bạn là người năng động, đầy nhiệt huyết thì lời mời hấp dẫn từ một công ty khác là cơ hội tuyệt vời để bạn cải thiện thu nhập, và hơn hết là để khám phá bản thân, để trải nghiệm những điều thú vị từ công việc mới. Hãy làm tốt phần việc còn lại ở công ty hiện tại, ra đi trong “hòa bình” và sẵn sàng cho những gì đang chờ đợi phía trước.

 

Và ra đi để phát triển bản thân

Nếu tìm được một công việc tốt và hơn hết là mức lương cao hơn hiện tại thì đa phần không ai bỏ qua cơ hội này, đó là nhu cầu chính đáng và bình thường của hầu hết mọi người. Tuy nhiên cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định “viết đơn xin thôi việc”, vì khi ra đi cho dù thành công hay thất bại thì cũng đồng nghĩa với việc con đường quay về công ty cũ đã trở nên vô vọng.

Ngày xưa có một chú chuột hễ mỗi lần nghe tiếng chuông chùa bên sông vang vọng, thì chuột ta biết là hôm đó có lễ hội và tất nhiên sẽ có nhiều đồ ăn. Hôm nay như thường lệ chuột bơi gần đến bờ bên kia sau khi nghe chuông đổ, nhưng lạ thay hôm nay ngôi chùa bên này cũng đổ chuông, thì ra hôm nay là ngày hội lớn trong năm. Sau một chút đắn đo chuột quyết định quay lại vì nghĩ chắc đồ ăn bên này ngon hơn, gần đến bờ thì chuột lại thay đổi quyết định vì nghĩ chắc đồ bên kia mới thật sự hấp dẫn, chuột ta cứ bơi qua bơi lại như vậy cho đến lúc không còn sức lực và chìm dần giữa dòng sông…

Trong công việc cũng vậy nếu bạn cứ nhảy hết chỗ này đến chỗ khác, thì suốt đời bạn vẫn là người mới trong một môi trường mới, để rồi cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Vì vậy một lời khuyên cho các tín đồ “nhảy việc” là hãy cân nhắc, hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định chyển việc. Hãy xem xét với mức thu nhập cao hơn nhưng tính chất công việc có phù hợp, và khả năng bản thân có thể hoàn thành công việc ấy không.

Thông thường một công ty mới sẽ trả cao hơn để lôi kéo bạn về với họ, vì họ đã tìm hiểu rất kỹ về bạn trước khi đưa ra quyết định ấy. Cho nên nếu tìm được một nơi đáng tin cậy để phát triển bản thân thì không việc gì phải bỏ qua, cơ hội không đến nhiều lần trong đời. Chính môi trường mới sẽ giúp cho các bạn có được sự trải nghiệm mới, sự thăng tiến là phần thưởng xứng đáng giành cho năng lực và kinh nghiệm của bạn.

Việc gắn bó lâu dài ở một nơi, hay đầu quân vào môi trường mới là tùy thuộc vào hoàn cảnh hiện tại, tùy thuộc vào bản thân vào năng lực của mỗi người. Tuy nhiên điều quan trọng là phải có một quyết định dứt khoát, tránh tình trạng lưỡng lự, hoặc nhảy việc liên tục. Một người có năng lực, có tinh thần lạc quan thì luôn nhìn thấy được những cơ hội trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ngược lại một người không có lập trường không có tinh thần lạc quan sẽ luôn nhìn thấy những khó trong mọi cơ hội!

 

Lê quyết Kiển – CareerLink.vn

Read more

Cung ứng là gì? Công nghệ thay đổi ngành cung ứng

Một quy trình sản xuất dù được tối ưu đến đâu cũng có thể đình trệ chỉ vì thiếu một nguyên liệu đầu vào. Đằng sau những vận hành ổn định là cả một hệ thống đảm bảo hàng hóa và dịch vụ đến đúng nơi, đúng lúc. Cung ứng là gì và tại sao đây lại là yếu tố quyết định cho sự bền vững của mọi doanh nghiệp?

Cung ứng là gì

Cung ứng là gì

Cung ứng (tiếng Anh: procurement) là quá trình tìm kiếm, lựa chọn, mua sắm và quản lý các nguồn hàng hóa, dịch vụ cần thiết nhằm phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh của một tổ chức.

Khác với hành vi “mua hàng” đơn lẻ, cung ứng mang tính chiến lược dài hạn, được thực hiện theo quy trình bài bản từ xác định nhu cầu đến đánh giá hiệu quả sau khi giao nhận.

Hoạt động cung ứng không chỉ dừng lại ở việc đặt mua mà còn bao gồm quản lý chi phí, đảm bảo chất lượng, theo dõi tiến độ và xây dựng mối quan hệ ổn định với nhà cung cấp. Đây là một mắt xích nền tảng giúp doanh nghiệp duy trì vận hành hiệu quả, kiểm soát rủi ro chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Dù thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại hay dịch vụ, mọi tổ chức đều cần một hệ thống cung ứng chuyên nghiệp để đảm bảo nguồn lực luôn sẵn sàng và phù hợp với mục tiêu hoạt động.

Chuỗi cung ứng là gì và mối liên hệ với cung ứng

Chuỗi cung ứng (tiếng Anh: supply chain) là hệ thống liên kết các hoạt động từ cung ứng nguyên liệu, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển đến phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Đây là một quy trình có tính chất liên hoàn và phụ thuộc lẫn nhau giữa nhiều bộ phận, nhà cung cấp và đối tác khác nhau trong và ngoài tổ chức.

Trong chuỗi này, cung ứng là mắt xích khởi đầu – nơi quyết định doanh nghiệp sẽ sử dụng nguyên vật liệu nào, mua từ đâu, với chi phí và điều kiện ra sao. Nếu cung ứng không được tổ chức hợp lý, toàn bộ chuỗi vận hành phía sau có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và uy tín thương hiệu.

Để hiểu rõ hơn, cần phân biệt ba khái niệm dễ gây nhầm lẫn: cung ứng, logistics và mua sắm. Cung ứng là chiến lược tổng thể về thu mua; logistics là quá trình vận chuyển và lưu kho hàng hóa; còn mua sắm thường chỉ hành vi giao dịch đơn lẻ, thiếu tính chiến lược. Nhận diện đúng vai trò của cung ứng trong tổng thể chuỗi là bước đầu tiên để doanh nghiệp tối ưu hóa toàn bộ hoạt động từ bên trong.

Các loại hình cung ứng phổ biến

Hoạt động cung ứng trong doanh nghiệp có thể được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, giúp linh hoạt áp dụng cho từng mô hình vận hành cụ thể.

Theo tổ chức thực hiện, có hai loại hình chính: cung ứng nội bộ và cung ứng thuê ngoài (outsourcing). Cung ứng nội bộ do chính bộ phận trong công ty thực hiện, giúp kiểm soát tốt quy trình nhưng dễ tốn kém về nguồn lực. Trong khi đó, thuê ngoài cho phép doanh nghiệp tập trung vào năng lực cốt lõi, tuy nhiên cần chọn nhà cung cấp uy tín để tránh rủi ro.

Theo hình thức vận hành, có cung ứng trực tiếp và cung ứng gián tiếp. Cung ứng trực tiếp liên quan đến nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Còn gián tiếp bao gồm các dịch vụ hỗ trợ như văn phòng phẩm, dịch vụ bảo trì, đào tạo nội bộ.

Theo đối tượng cung ứng, có thể chia thành cung ứng hàng hóa, dịch vụ hoặc dịch vụ công. Mỗi loại hình đều yêu cầu cách tiếp cận, quản lý và giám sát riêng biệt để đảm bảo chất lượng đầu vào lẫn hiệu quả chi phí trong toàn chuỗi giá trị.

Quy trình cung ứng gồm những bước nào

Một quy trình cung ứng chuyên nghiệp không chỉ đơn thuần là hoạt động đặt hàng, mà là chuỗi hành động có hệ thống nhằm tối ưu chi phí, thời gian và chất lượng. Dưới đây là các bước cơ bản thường được áp dụng trong doanh nghiệp:

Xác định nhu cầu: Bộ phận chuyên môn phối hợp với các phòng ban để xác định rõ số lượng, chủng loại và thời điểm cần mua.

Tìm kiếm và lựa chọn nhà cung cấp: Doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, thu thập báo giá và đánh giá các nhà cung cấp tiềm năng dựa trên tiêu chí đã định sẵn.

Gửi yêu cầu và đàm phán: Sau khi chọn được nhà cung cấp phù hợp, tiến hành đàm phán các điều khoản như giá cả, điều kiện giao hàng, thời gian thanh toán.

Đặt hàng và theo dõi đơn hàng: Đơn hàng được phát hành chính thức và theo dõi tiến độ giao hàng để đảm bảo đúng thời hạn.

Kiểm tra – nhận hàng – thanh toán: Kiểm tra chất lượng và số lượng hàng hóa, xử lý chứng từ, sau đó tiến hành thanh toán theo điều khoản đã thỏa thuận.

Đánh giá và cải tiến: Sau mỗi đợt cung ứng, doanh nghiệp thường tổ chức đánh giá hiệu quả để rút kinh nghiệm và tối ưu quy trình cho lần tiếp theo.

Tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp hiệu quả

Việc lựa chọn đúng nhà cung cấp là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng và tiến độ trong toàn bộ quy trình cung ứng. Để đưa ra quyết định chính xác, doanh nghiệp cần đánh giá dựa trên các tiêu chí cụ thể và minh bạch.

Giá cả hợp lý: Không chỉ xét đến giá mua đơn thuần, mà còn cần tính đến tổng chi phí sở hữu bao gồm vận chuyển, bảo hành, chi phí phát sinh và khấu hao.

Chất lượng ổn định: Nhà cung cấp phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã và độ đồng nhất giữa các lô hàng.

Thời gian giao hàng đúng hạn: Khả năng giao hàng đúng cam kết giúp doanh nghiệp duy trì tiến độ sản xuất, hạn chế tồn kho hoặc gián đoạn vận hành.

Uy tín và năng lực tài chính: Những đối tác có lịch sử hoạt động minh bạch, phản hồi tốt từ khách hàng khác thường đáng tin cậy hơn trong hợp tác dài hạn.

Khả năng phối hợp linh hoạt: Nhà cung cấp hiệu quả cần sẵn sàng điều chỉnh lịch giao hàng, khối lượng và hỗ trợ xử lý sự cố nhanh chóng.

Doanh nghiệp có thể kết hợp các công cụ như bảng chấm điểm, khảo sát định kỳ và KPI để quản lý nhà cung cấp một cách hệ thống và khách quan.

Công nghệ và kỹ thuật hỗ trợ cung ứng

Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, công nghệ đang trở thành trợ thủ đắc lực giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động cung ứng. Việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn giảm thiểu sai sót, rủi ro và chi phí phát sinh.

Hệ thống ERP: Cho phép doanh nghiệp quản lý tập trung toàn bộ thông tin liên quan đến đơn hàng, tồn kho, tài chính và nhà cung cấp. Nhờ đó, việc ra quyết định trở nên nhanh chóng và có cơ sở dữ liệu hỗ trợ.

Phần mềm e-procurement: Tự động hóa các quy trình từ yêu cầu mua hàng, phê duyệt, gửi báo giá đến theo dõi đơn hàng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, minh bạch hóa chi phí và giảm phụ thuộc vào giấy tờ thủ công.

Ứng dụng AI và phân tích dữ liệu: Giúp dự báo nhu cầu, phát hiện bất thường trong chuỗi cung ứng và đề xuất phương án tối ưu. Một số doanh nghiệp còn tích hợp công nghệ blockchain để kiểm soát nguồn gốc và truy xuất toàn bộ vòng đời đơn hàng.

Việc đầu tư đúng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng cung ứng linh hoạt, minh bạch và thích ứng nhanh với biến động thị trường.

Những rủi ro trong hoạt động cung ứng và cách giảm thiểu

Hoạt động cung ứng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ sản xuất, chi phí vận hành và uy tín của doanh nghiệp. Việc nhận diện và chuẩn bị phương án xử lý từ sớm là yếu tố then chốt giúp chuỗi cung ứng vận hành ổn định và bền vững.

Biến động giá cả: Nguyên vật liệu đầu vào có thể tăng đột ngột do thiếu hụt, chiến tranh thương mại hoặc chính sách thuế. Giải pháp là ký hợp đồng dài hạn, đa dạng hóa nguồn cung và dự báo giá theo chu kỳ.

Gián đoạn chuỗi cung ứng: Thiên tai, đại dịch, hoặc nhà cung cấp phá sản đều có thể gây đứt gãy. Doanh nghiệp cần xây dựng phương án dự phòng, lựa chọn nhiều nhà cung cấp và kiểm soát rủi ro theo vùng địa lý.

Rủi ro về chất lượng và pháp lý: Hàng hóa không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc hoặc không tuân thủ quy định có thể dẫn đến thiệt hại lớn. Để phòng tránh, doanh nghiệp nên kiểm định định kỳ, yêu cầu chứng từ hợp lệ và đánh giá nhà cung cấp thường xuyên.

Thiếu minh bạch và phối hợp kém: Giao tiếp không rõ ràng giữa các bên dễ dẫn đến hiểu lầm và trì hoãn. Ứng dụng công nghệ và hệ thống quản lý dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này một cách hiệu quả.

Tối ưu hoạt động cung ứng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiểu rõ cung ứng là gì chính là nền tảng để xây dựng một chuỗi vận hành hiệu quả, linh hoạt và thích ứng nhanh với biến động. Trong bối cảnh số hóa và toàn cầu hóa, đầu tư đúng vào hệ thống cung ứng là bước đi chiến lược để tạo lợi thế và nâng tầm vị thế doanh nghiệp.

Trí Nhân

Read more

Làm Tiktoker, KOL, KOC: có thật là mảnh đất màu mỡ?

Dẫu làm Tiktoker, KOL và KOC chưa được số đông công nhận là một nghề nhưng lại có tốc độ phát triển cực nhanh trong thời đại 4.0. Đây cũng được đánh giá là những công việc mang đến nguồn thu nhập đáng kể, thậm chí là khổng lồ dành cho những ai đã thành công trong việc xây dựng tầm ảnh hưởng của mình trên các nền tảng tương ứng.

KOL, KOC và Tiktoker là ai và họ làm gì?

Hiểu một cách đơn giản KOL (Key Opinion Leader) là những người có tầm ảnh hưởng, gồm có 3 nhóm chính: người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên, người mẫu… nói tóm lại là người của công chúng); người có sức ảnh hưởng với một nhóm đối tượng nhất định (blogger, vlogger, diễn giả, cũng có thể chỉ là một người dùng mạng xã hội nào đó) và những người có sức ảnh hưởng trong một phạm vi nhỏ hơn, công việc của họ chủ yếu là chia sẻ thông tin từ 2 nhóm trên để quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến nhóm khách hàng nhỏ của mình.

Trong nhóm KOL, gần như chỉ người nổi tiếng mới có thể kiếm được mức thu nhập “khủng” từ việc làm đại sứ thương hiệu/ đối tác cho những nhãn hàng đình đám. Chẳng nói đâu xa, chỉ bằng việc thường xuyên diện thiết kế của các nhà mốt, chụp ảnh với dòng điện thoại thông minh mới của một nhãn hàng hoặc check in tại một khu du lịch nào đấy, những người nổi tiếng như Sơn Tùng M-TP, Chi Pu, Quang Vinh, Trấn Thành… đã có thể thu về bạc tỷ – một con số quá “khủng” đúng không nào?

Bạn có thể đã nghe nói nhiều đến KOL nhưng còn KOC thì sao? Đố bạn biết đấy! KOC là viết tắt của từ Key Opinion Consumer – một thuật ngữ khá mới mẻ, dùng để chỉ những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên các cộng đồng, có khả năng tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng khác. Công việc chính của KOC là trải nghiệm và đánh giá sản phẩm một cách khách quan, giúp người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định mua hoặc không mua hàng.

Thay vì nhận tiền từ nhãn hàng để đánh giá sản phẩm như KOL thì KOC thường là người chủ động chọn lựa và dùng thử sản phẩm, sau đó họ sẽ nhận hoa hồng từ thương hiệu dựa trên số đơn hàng mà họ bán được qua kênh của mình. Có thể dễ dàng nhận thấy các link Bio (là phương thức đơn giản nhất để KOC điều hướng người dùng từ trang cá nhân của họ đến những trang đích mà họ mong muốn như website, Facebook, Youtube, Shopee) được gắn trên trang cá nhân của KOC để phục vụ cho mục đích chuyển đổi này.

Còn về làm Tiktoker ư? Có lẽ bạn đã quá quen và thậm chí có đôi lần thử làm Tiktoker rồi phải không? Năm 2017, ứng dụng Tiktok nổi lên như một trào lưu và khi người dùng nhận ra khả năng kiếm tiền từ Tiktok thì cũng là lúc nghề Tiktoker xuất hiện. Nói một cách đơn giản, Tiktoker là những người sáng tạo nội dung trên nền tảng Tiktok và kiếm tiền từ chính nền tảng này. Các con đường kiếm tiền của Tiktoker về cơ bản cũng giống với KOL và KOC nên mình sẽ không phân tích thêm về khía cạnh này nữa.

Điều gì khiến hàng ngàn người muốn trở thành KOL, KOC và Tiktoker?

Đầu tiên không thể không nói đến sự linh hoạt. Các KOL, KOC và Tiktoker có thể làm việc ở bất cứ đâu họ muốn, bất cứ lúc nào họ thích với hành trang chỉ là chiếc smartpphone hoặc laptop.

Không chỉ có vậy, bạn có thể kết nối với mọi người từ khắp nơi trên thế giới và nhận được sự quan tâm từ họ. Vui sướng biết bao khi thức dậy và đọc tin nhắn của những người theo dõi rằng họ đánh giá cao mọi thứ bạn đang làm!

Được làm điều mình thích mà vẫn có rủng rỉnh tiền, thật thích phải không? Đây cũng là điều khiến KOL, KOC và Tiktoker “si mê” công việc của mình. Mặc dù không có thống kê chính xác thu nhập của KOL, KOC và Tiktoker nhưng nói chung bạn càng nổi tiếng thì thu nhập càng khủng. Mức trung bình có thể vài chục đến trăm triệu đồng hàng tháng. Thậm chí có những KOL đình đám như các siêu sao bóng đá có thể nhận tới cả triệu đô la chỉ cho duy nhất 1 bài đăng giới thiệu trên Instagram.

Đúng là một sự hấp dẫn không thể chối từ và bạn muốn lao ngay vào để trở thành các KOL, KOC và Tiktoker nổi tiếng?

Đằng sau sự hoàn hảo và hào nhoáng trên mạng xã hội

Nghe thì đơn giản nhưng không “dễ ăn” thế đâu nhé. Để đạt được niềm tin và sự ủng hộ từ nhiều người thì bạn cần phải có “chiêu”.

Nếu hỏi bất kỳ một KOL, KOC và Tiktoker thành công nào về cách họ đạt được thu nhập chín con số, bạn có thể sẽ được kể về một số câu chuyện “kinh dị” về những ngày mới chập chững vào nghề. Để có được thu nhập đáng mơ ước, họ đã phải nỗ lực rất nhiều để tạo dựng tên tuổi.

Lấy ví dụ khi làm Tiktoker nhé.

“Để trở thành người có ảnh hưởng trên TikTok, bạn sẽ cần đăng ít nhất 1-3 lần mỗi ngày và những người làm TikToker thành công nhất đăng 15-20 lần mỗi ngày.”

Mặc dù clip TikTok trung bình chỉ dài tối đa một phút, nhưng việc tạo ra nhiều nội dung như vậy là cực kỳ khó. Không chỉ khó về kịch bản mà còn khó về thời gian và năng lượng cần thiết vì cần phải lên ý tưởng, quay phim, chỉnh sửa video, tương tác với người hâm mộ và thiết lập thương hiệu cá nhân. Chính những điều đó vô hình chung đã tạo nên áp lực khiến nhiều người mất dần đi cảm hứng khi làm việc. Thế nên, bạn có thể thường xuyên nghe thấy những lời than vãn như “Nhiều lúc tôi thấy cuộc sống của tôi thật sự vô nghĩa khi dành cả ngày để hoàn thành một video với đầy sự chán nản” hay “Tôi thật sự cảm thấy rất mệt mỏi vì những áp lực phải gánh chịu trong thời gian qua”.

Lại nói đến KOL và KOC, điều quan trọng là phải duy trì sự trung thực. Có thể có những trường hợp bạn nghiêng về việc quảng cáo điều gì đó không thực sự hữu ích cho người xem, lý do có thể là các thương hiệu trả mức phí quá hấp dẫn chẳng hạn. Nếu không trung thực, sẽ có lúc bạn phải hối hận vì phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cộng đồng.

Điều này làm mình nhớ đến câu chuyện khi Kim Kardashian quảng cáo một loại thuốc chống ốm nghén khi mang thai. Tuy nhiên, cô ấy lại không đề cập đến bất cứ tác dụng phụ nào của loại thuốc này. FDA đã cảnh báo cả Kim và thương hiệu về hành động mà họ sẽ thực hiện nếu bài đăng không được gỡ xuống hoặc chỉnh sửa. Dù đã thay đổi nội dung nhưng danh tiếng của Kim bị ảnh hưởng, dễ dàng nhận thấy nhất là các bình luận phản  đối phía dưới bài đăng.

Thế giới của người làm Tiktoker, KOL và KOC có vẻ hấp dẫn từ góc nhìn của người ngoài cuộc. Tuy nhiên, những người có ảnh hưởng cũng phải vật lộn để duy trì lượng người theo dõi và chỗ đứng của mình. Công việc luôn đòi hỏi có sự sáng tạo và việc duy trì sự trung thực cũng có thể rất khó khăn, nhưng nếu có thể đảm đương tốt, bạn vẫn có thể gặt hái thành quả: trở thành một người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và nhận về các khoản thu nhập đáng mơ ước.

Trang Đoàn

Read more

Ứng xử khi xin thôi việc

Thôi việc – Đó không đơn giản là hành động bạn gửi đơn xin thôi việc, nhận được sự chấp thuận của cấp trên rồi thu dọn hành lý chuẩn bị rời khỏi công ty. Hơn thế nữa, đó là cả một nghệ thuật ứng xử, thôi việc cũng đòi hỏi quá trình chuẩn bị, sự chuyên nghiệp và khéo léo giống như khi bạn tìm việc. Dù ra đi vì bất cứ lý do gì bạn cũng nên để lại ấn tượng tốt với công ty cũ. Sau đây là một số lưu ý khi bạn đang có ý định thôi việc.

1. Cân nhắc kĩ trước khi gửi đơn

– Giữ yên lặng: Nhiều người không giữ được bí mật thường sẽ kể cho đồng nghiệp chuyện bạn đang tìm một công việc khác, nhưng bạn đừng bao giờ làm vậy.

Bà Marie McIntyre, tư vấn nghề nghiệp đồng thời là tác giả cuốn sách “Bí mật để chiến thắng tại văn phòng”, nói: “Quản lý của bạn có thể cho rằng việc bạn muốn bỏ đi như một sự phản bội, thế nên tốt nhất hãy giữ bí mật. Ngay khi cấp trên của bạn biết bạn đang tìm việc khác, bạn sẽ bị xem là người làm việc ngắn hạn và đánh mất những cơ hội giá trị, như: thăng tiến, tăng lương, phân công công việc, hay khóa học đào tạo.”

– Nắm rõ Luật ở công ty: Khi bạn bắt đầu công việc tại doanh nghiệp chắc hẳn bạn đã nắm được phổ biến luật Lao động của doanh nghiệp đó, bao gồm quy định về nghỉ phép và thôi việc. Thường những công ty yêu cầu nhân viên muốn thôi việc phải báo trước thời gian ít nhất là 1 tháng, tùy theo lý do mà bạn xin nghỉ việc theo quy định của Bộ luật Lao Động hiện hành.

Vậy nên, trước khi gửi đơn bạn nên chuẩn bị tất cả những tình huống có thể xảy ra như: Đã giải quyết xong những công việc còn tồn đọng, cần nghĩ đến trường hợp bạn có thể tìm được việc mới ngay khi rời công ty hay không? Cũng không nên mang bất cứ tài sản nào của công ty khi ra đi.

– Viết một bức thư xin nghỉ việc: Bạn nên dành một chút thời gian và công sức cho bức thư xin nghỉ việc để chứng tỏ sự tôn trọng của bạn với ban lãnh đạo công ty, đồng thời thể hiện trách nhiệm của bạn với công việc và để công ty có kế hoạch tìm người thay thế vị trí của bạn.

Trong thư bạn nên trình bày những kinh nghiệm, những điều tốt đẹp mà bạn có được trong thời gian làm việc cho công ty. Bạn đã trưởng thành hơn trong công việc như thế nào và gửi lời cám ơn tới những người đã giúp đỡ bạn. Có thể trích dẫn trong đó những sự kiện và việc làm để lại ấn tượng trong bạn. Bày tỏ mong ước công ty sẽ ngày càng phát triển hơn trong tương lai.

– Có nên giải thích lý do ra đi? Nếu bạn xin nghỉ việc vì một lý do nào đó như : Bức xúc với thái độ của đồng nghiệp hay là thái độ nóng giận nhất thời, bạn có thể chia sẻ với cấp trên để họ có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bạn và giải quyết giúp bạn. Nếu lý do đưa ra quá tế nhị bạn nên tìm một lý do nào đó dễ chịu hơn .

– Đề cử một ứng viên cho vị trí thay thế : Để tránh cho việc công ty phải mất thời gian và kinh phí nhằm tìm được một ứng viên thích hợp, bạn có thể ứng cử một nhân viên trong công ty mà bạn thấy phù hợp. Người đó có thể đã từng làm với bạn hoặc làm trợ lý cho công việc mà bạn phụ trách, hãy để mắt đến những đồng nghiệp để lại ấn tượng với bạn trong năm qua để đề cử vào vị trí mà bạn sắp nghỉ. Nếu không phải là đồng nghiệp trong công ty thì hãy nghĩ đến bạn bè và những mối quan hệ bên ngoài có thể giúp bạn có được một người thay thế thích hợp.

2. Thân thiện, chuyên nghiệp đến phút chót

Nếu lý do bạn xin thôi việc ở công ty vì bất bình hay cáu giận một chuyện gì đó bạn cũng không nên bộc lộ ra bên ngoài. Luôn giữ thái độ hòa nhã, thân thiện và tôn trọng với cấp trên và đồng nghiệp. Nhận xét của sếp cũ luôn đóng vai trò quan trọng khi bạn đi phỏng vấn xin việc ở công ty mới.

Bà McIntyre nhận định: “Người ta vẫn nói rằng bạn có thể đánh giá phẩm chất thực sự của một người qua cách họ thôi việc. Ngay cả khi bạn sung sướng đến phát cuồng khi được thoát khỏi công việc cũ, hãy cẩn thận chuyển giao công việc cho người kế nhiệm và chia tay với mọi người một cách thân thiện, vui vẻ.”

Sẽ có rất nhiều rắc rối nếu bạn làm cho những người ở lại giận dữ. Chẳng hạn, bạn sẽ bị “cố tình quên” được thanh toán một số khoản hoặc có thể gặp rắc rối trong chuyện thanh toán những khoản tiền còn lại trước khi ra đi.

– Đi phỏng vấn bằng thời gian của bạn. Nếu trong quá trình xin nghỉ việc bạn nhận được lời mời phỏng vấn ở một số công ty khác bạn cũng không nên xin nghỉ quá nhiều, sẽ chẳng hay ho nếu sếp và đồng nghiệp của bạn biết bạn đang xin việc ở công ty khác trong thời gian làm việc ở công ty họ. Nếu có thể hãy cố gắng xếp lên lịch phỏng vấn trước hoặc sau giờ làm việc, hoặc trong giờ ăn trưa. Nếu không thể làm thế, hãy sử dụng thời gian nghỉ phép.

3. Hãy nghỉ khi công ty đã tìm được người thay thế

Giúp công ty đào tạo nhân viên mới: Mỗi công việc đều có đặc thù riêng, đòi hỏi kinh nghiệm và trách nhiệm mà không phải ai mới đảm nhận cũng có thế biết hết và không phải vấn đề nào cũng có thể bàn giao được trên giấy tờ hay file lưu trữ, cấp trên của bạn sẽ rất biết ơn và tôn trọng bạn nếu bạn là một người có trách nhiệm với vị trí của mình. Vì vậy hãy nhiệt tình giúp đỡ và bàn giao công việc cho người mới đến.

Nếu đến thời hạn bạn xin nghỉ mà công ty chưa tìm được nhân viên thay thế hãy đề nghị với cấp trên cho phép bạn tiếp tục giúp đỡ họ cho đến khi tìm được người vào vị trí của bạn. Bạn có thể tham khảo viết mẫu đơn xin thôi việc tại bài mẫu đơn xin nghĩ việc.

4. Cân nhắc thời điểm ra đi và giữ mối quan hệ tốt với công ty cũ

Nếu bạn xin thôi việc vào đúng thời kì công ty đang khó khăn hay gặp trục trặc trong việc kinh doanh đó có thể là sự hiểu lầm bạn “đứng núi này trông núi nọ”, mặc dù nguyên nhân thực sự không phải thế. Vì vậy, nên cân nhắc thật kỹ thời điểm ra đi.

Dù đã xin thôi việc ở công ty cũ bạn cũng nên duy trì mối quan hệ tốt với cấp trên và đồng nghiệp. Bạn có thể gửi tin nhắn hay gửi lẵng hoa chúc mừng sinh nhật sếp cũ hay đồng nghiệp cũ, ngày thành lập công ty hay một sự kiện nào đó diễn ra thành công. Sẽ rất thú vị nếu công ty cũ và công ty mới của bạn sát nhập làm một.

Thi Vũ – CareerLink.vn

Read more

Học gì để tăng cơ hội từ kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật

Có những hành trình nghề nghiệp không đi theo một lộ trình bằng phẳng mà cần sự chuyển hướng dũng cảm. Kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật trở thành mối quan tâm lớn với nhiều lao động Việt muốn thay đổi để tìm cơ hội mới. Trước khi bắt đầu, hãy cùng tìm hiểu kỹ bối cảnh, điều kiện và chiến lược ứng tuyển để bước đi vững chắc hơn.

kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật

Kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật là gì?

Kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật chỉ quá trình ứng tuyển vào một công việc khác với ngành học, nghề cũ hoặc loại visa ban đầu, đòi hỏi người lao động phải thích nghi và chuẩn bị lại toàn diện.

Tình trạng chuyển việc trái ngành ngày càng phổ biến tại Nhật Bản, nhất là với thực tập sinh, kỹ sư hoặc du học sinh mong muốn nâng cao thu nhập, thay đổi môi trường làm việc hoặc gia hạn visa. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những rủi ro, điều kiện pháp lý và cách chuẩn bị hiệu quả để thành công.

Để xin việc trái ngành, người lao động không chỉ cần kỹ năng mới mà còn phải hiểu tâm lý tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật. Nhiều công ty sẵn sàng tiếp nhận ứng viên chưa đúng chuyên môn nếu họ thể hiện được tinh thần cầu tiến, tuân thủ quy trình và sẵn sàng học hỏi. Việc chọn sai ngành hoặc hồ sơ không phù hợp có thể khiến ứng viên bị từ chối visa hoặc gặp khó khăn kéo dài khi chuyển đổi công việc.

Do đó, kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật không đơn thuần là “tìm việc khác”, mà là một quá trình định hướng lại nghề nghiệp trên nền tảng hiểu biết pháp lý, chứng chỉ nghề và khả năng thích ứng thực tế.

Danh sách ngành dễ chuyển và yêu cầu kỹ năng

Khi chuyển việc trái ngành tại Nhật, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp là yếu tố quan trọng giúp ứng viên tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao tỷ lệ đậu visa. Một số ngành đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng và có chính sách tiếp nhận lao động trái ngành gồm chế biến thực phẩm, nông nghiệp, điều dưỡng, xây dựng và dịch vụ nhà hàng – khách sạn.

Trong đó, chế biến thực phẩm có ưu điểm dễ học nghề, quy trình rõ ràng và môi trường làm việc khép kín. Ngành nông nghiệp tuyển số lượng lớn và không đòi hỏi nền tảng chuyên môn cao. Điều dưỡng phù hợp với người chăm chỉ, có thể đào tạo lại nếu có trình độ tiếng Nhật căn bản. Ngành xây dựng thiên về thể lực, phù hợp với đối tượng nam giới quen lao động tay chân. Riêng nhóm ngành dịch vụ như dọn phòng khách sạn hoặc phục vụ nhà hàng là lựa chọn phổ biến cho người có khả năng giao tiếp cơ bản.

Dù ngành nghề có mở, ứng viên vẫn cần đáp ứng một số kỹ năng nền tảng như kỷ luật lao động, thể lực tốt, thái độ học hỏi, khả năng phối hợp nhóm và trình độ tiếng Nhật tối thiểu N4 để tuân thủ an toàn lao động và hiểu quy trình làm việc.

Kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật cho thấy: việc chọn ngành đúng với năng lực cá nhân và điều kiện visa sẽ giúp ứng viên không chỉ trụ vững mà còn có cơ hội phát triển lâu dài tại thị trường Nhật Bản.

Xem thêm: Tuyển Dụng Tiếng Nhật tại Careerlink.vn

Chứng chỉ bắt buộc và điều kiện xin visa Tokutei

Để được làm việc trái ngành tại Nhật theo diện Tokutei Ginō (kỹ năng đặc định), người lao động bắt buộc phải có chứng chỉ tay nghề phù hợp với ngành đăng ký và đáp ứng đầy đủ điều kiện cư trú theo quy định của Cục Xuất nhập cảnh. Việc thiếu chứng chỉ hợp lệ là lý do phổ biến khiến nhiều hồ sơ bị từ chối dù đã có công ty đồng ý tuyển dụng.

Chứng chỉ kỹ năng đặc định (Tokutei) được tổ chức thi bởi các hiệp hội ngành nghề được chính phủ Nhật công nhận. Mỗi ngành sẽ có nội dung và hình thức thi khác nhau, gồm phần thi lý thuyết và thực hành. Các ngành như chế biến thực phẩm, nông nghiệp, xây dựng, điều dưỡng đều có kỳ thi định kỳ, thường bằng tiếng Nhật ở cấp độ đơn giản. Ứng viên có thể ôn tập thông qua các tài liệu chính thống hoặc đăng ký khóa luyện thi online trước khi dự thi chính thức.

Bên cạnh chứng chỉ, người lao động cần có giấy tờ hợp lệ để xin visa Tokutei, bao gồm: hồ sơ xác nhận kỹ năng, lý lịch tư pháp sạch, hợp đồng lao động đúng quy định và giấy bảo lãnh của công ty tiếp nhận. Ngoài ra, tình trạng cư trú hiện tại cũng rất quan trọng: ứng viên từng bỏ trốn, hết hạn visa hoặc vi phạm pháp luật sẽ bị từ chối cấp mới.

Việc chủ động thi chứng chỉ sớm và chuẩn bị kỹ lưỡng toàn bộ hồ sơ pháp lý sẽ giúp quá trình xin việc trái ngành diễn ra thuận lợi, đúng quy định và hạn chế tối đa rủi ro bị từ chối visa.

Cách làm hồ sơ và kỹ năng phỏng vấn trái ngành

Làm hồ sơ xin việc khi chuyển trái ngành tại Nhật đòi hỏi người lao động phải biết cách trình bày sao cho vừa thuyết phục vừa phù hợp với tiêu chí của nhà tuyển dụng. Trong đó, phần CV cần được viết rõ ràng, trung thực và định hướng lại năng lực theo ngành mới. Không nên liệt kê dài dòng những kinh nghiệm không liên quan, mà cần chọn lọc các công việc, kỹ năng có thể chuyển đổi như khả năng làm việc nhóm, tuân thủ quy trình, thao tác máy móc hoặc tinh thần cầu tiến.

Một trong những điểm khó khi viết hồ sơ là phần lý do nghỉ việc và chuyển ngành. Ứng viên nên nêu rõ mong muốn phát triển lâu dài trong ngành mới, học thêm kỹ năng chuyên môn hoặc tìm môi trường phù hợp hơn với năng lực bản thân, tránh trả lời theo hướng tiêu cực như “không hợp”, “bất mãn” hay “quá mệt mỏi”.

Bên cạnh đó, phỏng vấn là giai đoạn quyết định việc bạn có vượt qua được rào cản trái ngành hay không. Nhà tuyển dụng Nhật thường đánh giá thái độ trước năng lực. Vì vậy, ngoài cách trả lời ngắn gọn, đi vào trọng tâm, người lao động cần thể hiện tinh thần học hỏi, cam kết gắn bó và thái độ nghiêm túc trong công việc. Nếu chưa có kinh nghiệm ngành mới, hãy chứng minh bạn đã chủ động học hỏi hoặc đã từng làm các công việc có tính chất tương tự.

Sự chuẩn bị chỉn chu trong hồ sơ và ứng xử phỏng vấn là yếu tố quan trọng giúp bạn vượt qua rào cản chuyên môn và tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng Nhật Bản.

Giải đáp câu hỏi thường gặp khi xin việc trái ngành

Không có bằng cấp chuyên ngành, có xin việc trái ngành được không?
Được. Miễn là bạn có chứng chỉ kỹ năng Tokutei tương ứng với ngành muốn làm và đáp ứng đủ điều kiện visa. Bằng cấp không còn là yếu tố bắt buộc nếu bạn chứng minh được năng lực, kỹ năng và cam kết làm việc ổn định.

Có thể thi chứng chỉ Tokutei khi chưa từng làm ngành đó không?
Có thể. Nhiều ngành như thực phẩm, nông nghiệp hoặc khách sạn cho phép người chưa có kinh nghiệm thực tế vẫn được dự thi, miễn là vượt qua phần kiểm tra lý thuyết và thực hành theo chuẩn ngành.

Tôi từng hết hạn visa hoặc chuyển việc trái quy định, có còn cơ hội không?
Trường hợp từng vi phạm tư cách lưu trú như ở quá hạn, bỏ trốn hoặc làm việc trái phép sẽ rất khó xin lại visa. Bạn cần trao đổi trực tiếp với chuyên gia visa hoặc luật sư di trú để được đánh giá cụ thể từng trường hợp.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ năng, giấy tờ và thái độ sẽ là nền tảng quan trọng giúp bạn tăng cơ hội thành công khi chuyển ngành. Kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật không chỉ nằm ở việc học cách thích nghi, mà còn ở khả năng làm nổi bật giá trị bản thân. Càng hiểu rõ lộ trình, bạn càng dễ định hướng tương lai tích cực và chinh phục thị trường lao động Nhật Bản một cách chủ động.

Trí Nhân

Read more