Blog

5 thử thách mà người làm nghề tester muốn tránh cũng phải gặp

Tester đóng vai trò không thể thiếu trong bất kỳ quy trình phát triển phần mềm thành công nào. Là “hàng rào” cuối cùng trước khi sản phẩm được tung ra thị trường, người làm nghề tester chịu trách nhiệm đảm bảo rằng phần mềm đã phát triển không có lỗi và đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật lẫn kinh doanh.

Tuy nhiên ở vị trí đó, họ cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức như anh Hào Văn – một tester dày dặn kinh nghiệm chia sẻ: “Kiểm thử phần mềm chưa bao giờ là một cuộc dạo chơi trong công viên. Áp lực đưa sản phẩm chất lượng cao ra thị trường đồng nghĩa với việc nó phải trải qua nhiều vòng kiểm tra để đảm bảo các sự cố được phát hiện và khắc phục kịp thời. Dù thử nghiệm thủ công hay tự động thì công việc đều không dễ dàng như vẻ ngoài, tester thường gặp nhiều thách thức trong suốt thời gian thử nghiệm khiến công việc vì thế mà cũng đầy căng thẳng”.

Bạn muốn theo nghề tester ư? Thế thì hãy dành chút thời gian để nghe anh Hào Văn nói về những thách thức hàng đầu mà tester thường gặp phải để sẵn sàng tinh thần đối mặt nhé.

nghề tester

Những thách thức mà người theo nghề tester thường gặp phải

Góp ý mà không để bị mất lòng

Hỏi bất kỳ tester có kinh nghiệm nào thì 10 người sẽ có 9 người nói đây là một trong những khó khăn lớn nhất đối với họ. Cái tên tester đã nói lên tất cả, nôm na đó là công việc chuyên đi bắt lỗi. Quá trình thử nghiệm nhằm mục đích tìm ra lỗi trước khi người dùng nhận thấy, vì vậy các tester giỏi chắc chắn sẽ mang đến những tin xấu trong phần lớn thời gian.

Nhưng có lập trình viên nào mà thích nghe về lỗi trong sản phẩm họ tạo ra bao giờ, chưa nói đến việc nhiều lỗi hơn nghĩa là họ có nhiều việc phải làm hơn. Vì vậy, cách giao tiếp của chúng tôi cần phải chính xác, khéo léo và mang tính xây dựng. Nếu bạn cho rằng phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” cũng không hề sai.

Thời gian ít ỏi trong khi có quá nhiều thứ cần thử nghiệm

Thông thường, thời gian được phân bổ cho việc thử nghiệm một dự án sẽ không nhiều. Nếu có nhiều dự án cùng lúc thì thời gian đó càng bị rút ngắn. Trong khi đó trung bình sẽ có khoảng 2 – 7 lỗi trên 1000 dòng mã, mỗi hệ thống lớn có vài triệu dòng mã, cứ thế nhân lên sẽ có hàng trăm thậm chí hàng nghìn lỗi cho một dự án. Không có nhiều thời gian như mong muốn, thậm chí không có đủ nhân lực, thế nên cảm giác vội vàng và áp lực là điều không thể tránh khỏi.  

Để tận dụng tốt nhất khoảng thời gian có hạn, những người làm nghề tester chúng tôi phải ưu tiên thử nghiệm dựa trên mức độ rủi ro và tác động, tức là chỉ tập trung vào việc kiểm tra các khía cạnh quan trọng và có rủi ro cao nhất của hệ thống, vì những nơi này có nhiều khả năng xảy ra sự cố nhất. Nhiều lúc biết là còn nhiều lỗi ngoài kia nhưng không thể nào kiểm tra hết, áy náy lắm chứ nhưng biết làm sao được.

“Quá trình phát triển phần mềm đang phát triển từng ngày và những thách thức mà người theo nghề tester phải đối mặt cũng ngày càng tăng.”

Công cụ thiếu phù hợp nhưng vẫn phải sử dụng

Một tiều phu đi đốn củi với chiếc rìu cùn thì làm sao có nhiều củi? Một tester muốn làm tốt việc mà chỉ có công cụ lỗi thời thì sao mà “gột nên hồ”? Nhưng chúng tôi bắt buộc phải làm được.

Nhiều lúc nhận thấy một công cụ không còn phù hợp cho dự án mới nhưng chúng tôi lại không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng vì công ty đã có giấy phép và sẽ không mua mới cho đến khi hết hạn hiện tại. Nếu không thì cố gắng tìm kiếm giải pháp thay thế nhưng chủ trương là tiết kiệm hàng đầu nhé.  

Những cú “quay xe” phút chót đầy hoang mang

Chúng tôi thường nói vui rằng “Thời gian eo hẹp chưa đủ khiến tester xanh mặt hay sao mà các yêu cầu còn hay thay đổi vào phút chót!?”. Không sợ sao được khi chỉ một thay đổi nhỏ trong codebase thôi cũng cần thử nghiệm nhiều lần để đảm bảo tính ổn định và tương thích với mã hiện có.

Ví dụ nếu trình duyệt có bản cập nhật mới, chúng tôi sẽ phải kiểm tra khả năng tương thích của trình duyệt để đảm bảo rằng các tính năng hiện có của trang web vẫn chạy tốt ngay cả sau khi cập nhật. Mặt khác, nếu một tính năng mới được thêm vào trang web vào phút chót, thì phải kiểm tra trình duyệt chéo là cần thiết để đảm bảo rằng tính năng này hoạt động hoàn hảo trên nhiều trình duyệt khác nhau.

Đương nhiên, những thay đổi vào phút 89 này không hề dễ chịu chút nào cộng thêm thời hạn quá sát sao. Đáng nói hơn là không có nhiều cách giải quyết vấn đề này vì nhiều thay đổi là bắt buộc.

Đi tìm sự công nhận

Mặc dù đóng vai trò chính trong việc đảm bảo chất lượng của hệ thống phần mềm, nhưng công việc của tester thường không được đánh giá đúng mức. Sự thiếu công nhận này có thể gây khó chịu và khiến nhiều người mất hết động lực.

Bạn đã từng nghe các developer nói rằng “Test dễ mà. Chuyện quá đơn giản” hay chưa? Tôi thì đã nghe nhiều rồi và tự an ủi rằng có lẽ họ chưa hiểu hết công việc của mình. Tôi cũng đã từng nghe nhiều tester khác than thở rồi ước rằng họ cũng được đánh giá cao về kỹ năng chuyên môn, cũng được thưởng vì những đóng góp hay ít ra cũng được cấp trên công nhận vì sự chăm chỉ và cống hiến. Tôi rất cảm thông với họ vì bản thân muốn có thêm các kỹ năng mới phục vụ công việc thì cũng tự bỏ tiền túi ra mà học.  

Nói như vậy nhưng không phải 100% tester đều bị “lạnh nhạt”. Cũng có một số người may mắn tìm được môi trường tốt, có sếp tâm lý yêu thương và tạo nhiều điều kiện phát triển. Điều đó giúp họ có thêm động lực và gắn bó lâu dài.

Đây chỉ là vài thách thức lớn mà tôi có thể nghĩ đến lúc này. Tin rằng mỗi chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua nếu coi đó là lẽ đương nhiên và là cơ hội để học được những kiến thức mới và kỹ năng mới nhằm trở thành một tester chính hiệu. Nếu bạn không ngại các thách thức này thì xin chào mừng bạn đến với nghề tester đầy “màu sắc”.

Huỳnh Trâm

Read more

Bằng cử nhân là gì? Phân loại các loại bằng cử nhân

Bằng cử nhân là cụm từ được dùng nhiều trong lĩnh vực tuyển dụng và học tập. Vậy bằng cử nhân là gì? Phân loại các bằng cử nhân ra sao? Hãy cùng CareerLink tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Bằng cử nhân là gì? Phân loại các loại bằng cử nhân

Bằng cử nhân là gì? Bằng cử nhân tiếng Anh là gì?

Bằng cử nhân hay tiếng Anh còn gọi là Bachelor’s degree, đây là một loại bằng được cấp cho sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội… Đây là một trong những loại bằng thuộc văn bằng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.

Dựa vào kết quả học tập và quá trình đào tạo mà mỗi sinh viên đều được cấp bằng cử nhân xếp loại theo điểm trung bình các môn học toàn khóa gọi là điểm GPA.

Mỗi trường sẽ có những thang điểm đánh giá, xếp loại khác nhau. Có trường theo thang điểm 10 nhưng cũng có một số trường theo thang điểm 4. Nhưng nhìn chung bằng cử nhân sẽ được phân loại theo 4 cấp độ sau:

– Bằng xuất sắc

– Bằng giỏi

– Bằng khá

– Bằng trung bình

Để hoàn thành chương trình cử nhân chính quy của các trường đại học, sinh viên cần phải trải qua từ 4 – 7 năm tùy vào lĩnh vực mà sinh viên theo học và trường đào tạo. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đăng ký học vượt tín chỉ (đối với hệ tín chỉ) để có thể được cấp bằng cử nhân sớm hơn thời gian đã quy định.

“Bằng cử nhân là bằng cấp cho sinh viên đại học sau khi hoàn thành khóa học, thường kéo dài trong khoảng thời gian từ ba đến sáu năm, tùy thuộc vào quốc gia, lĩnh vực học tập và điều kiện của người học.”

Phân loại các loại bằng cử nhân hiện nay

Qua định nghĩa trên có thể dễ dàng hiểu bằng cử nhân là bằng gì. Tiếp sau đây hãy cùng tìm hiểu về 4 loại bằng cử nhân phổ biến.

Bằng cử nhân chuyên ngành Khoa học Xã hội – Bachelor of Art

Đây là loại bằng được trao cho sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học xã hội. Thường những chuyên ngành này là một trong các chương trình giáo dục lâu đời của các trường đại học phương tây.

Các lĩnh vực của chuyên ngành này gồm có: nghệ thuật, văn học, nhân học, nhân văn, lịch sử, khảo cổ tâm lý, dân tộc học, truyền thông, ngoại ngữ…

Bằng cử nhân chuyên ngành Khoa học – Bachelor of Science

Đây là bằng dành cho các sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học tự nhiên liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, toán học, máy tính, điều dưỡng, hóa sinh, khoa học máy tính… Để có được bằng Bachelor of Science sinh viên sẽ phải hoàn thành nhiều tín chỉ hơn bằng Bachelor of Art.

Bằng cử nhân quản trị kinh doanh – Bachelor of Business Administration

Bằng cử nhân này sẽ được trao cho sinh viên đã hoàn thành khóa học quản trị kinh doanh trong vòng 4 năm. Có một số lĩnh vực bạn sẽ tìm hiểu khi học lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh bao gồm: cách các doanh nghiệp tối ưu hóa các hoạt động của họ, cách các doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư và cách đánh giá khả năng sinh lời của các khoản đầu tư, hoạt động tài chính của một doanh nghiệp cùng các khái niệm cơ bản về tiếp thị và cách các công ty thu hút và giữ khách hàng…

Bằng cử nhân mỹ thuật – Bachelor of Fine Arts

Đây là bằng dành cho những sinh viên tốt nghiệp các lĩnh vực nghệ thuật thị giác như vẽ, thiết kế hoặc nghệ thuật biểu diễn như âm nhạc, khiêu vũ… Bằng cử nhân Bachelor of Fine Art đào tạo chuyên sâu về văn hóa và nghệ thuật giúp phát triển được các nền tảng năng khiếu và năng lực của mỗi cá nhân theo học. Từ đó đào tạo được các cử nhân phục vụ cho công việc nghệ thuật.

Ý nghĩa của bằng cử nhân

Việc sở hữu một tấm bằng cử nhân là niềm tự hào và ước mơ của nhiều người. Bởi đây là minh chứng cho quá trình nỗ lực học tập và rèn luyện của bản thân. Những ý nghĩa và lợi ích của việc sở hữu tấm bằng cử nhân là gì sẽ được chia sẻ cụ thể dưới đây:

Mang đến vốn kiến thức chuyên sâu

Những kiến thức được tiếp thu, trau dồi trong quá trình học tập tại trường đại học sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng làm việc trong tương lai.

Tạo cơ hội tìm kiếm việc làm tốt

Với tấm bằng cử nhân trong tay, bạn sẽ có lợi thế nhiều hơn những ứng viên khác không có, đồng thời cũng tạo điều kiện để bạn dễ dàng thỏa thuận với nhà tuyển dụng về mức lương mong muốn. Bằng cử nhân còn giúp bạn làm việc hiệu quả, năng suất, chất lượng hơn nhờ có những kiến thức đã được tiếp thu từ bậc đại học. Bởi kiến thực là nền tảng tốt nhất đem lại sự thăng tiến và thành công.

Là bước đệm cho những học vị cao hơn

Sau khi sở hữu tấm bằng cử nhân bạn sẽ có cơ hội để học cao hơn ở những bậc chuyên sâu như thạc sĩ, tiến sĩ. Từ đó tạo cơ nền tảng để bạn trở thành người có vị thế trong chuyên ngành của mình hay được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn các ứng viên khác.

Điều kiện để được cấp bằng cử nhân là gì?

Để được cấp bằng cử nhân thì người học phải hoàn thành hết chương trình đào tạo của trường đại học và tốt nghiệp bậc đại học. Sinh viên cũng cần phải đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định và hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của sinh viên.

Bằng cử nhân và bằng đại học có khác nhau không?

Theo quy định của Luật giáo dục 2019 thì các văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Vì thế cử nhân là tên gọi chung cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Bằng cử nhân là bằng do cơ sở giáo dục cấp cho sinh viên đã đủ điều kiện tốt nghiệp trình độ đại học. Như vậy có thể nói bằng cử nhân chính là bằng đại học.

Bằng cử nhân và bằng kỹ sư có gì khác nhau?

Bằng cử nhân được dành cho các sinh viên thuộc khối ngành kinh tế xã hội thiên về nghiên cứu. Thời gian đào tạo bậc đại học để lấy bằng cử nhân là 4 năm. Cơ hội việc làm do nhiều yếu tố tác động. Nhưng nhìn chung tấm bằng cử nhân sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn bằng kỹ sư.

Bằng kỹ sư được cấp cho sinh viên thuộc khối ngành kỹ thuật, thiên về thực hành, ứng dụng thực tiễn. Thời gian đào tạo của bằng kỹ sư lên đến 5 năm. Vậy nên bằng kỹ sư sẽ được đánh giá là có nhiều cơ hội việc làm hơn bằng cử nhân.  

Một số câu hỏi thường gặp

Thời hạn cấp bằng cử nhân là bao lâu?

Theo quy định, thời hạn cấp bằng cử nhân là trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm nhận được quyết định tốt nghiệp. Trong thời gian chờ bằng tốt nghiệp, người học sẽ được trao bằng tốt nghiệp tạm thời để phục vụ cho những kỳ thi hay các đợt tuyển dụng quan trọng…

Ai là người có thẩm quyết cấp bằng cử nhân?

Văn bằng giáo dục đại học sẽ do hiệu trưởng trường đại học hoặc giám đốc đại học, viên trưởng viện nghiên cứu khoa học, giám đốc học viện được phép đào tạo và cấp bằng ở các trình độ tương đương cấp.

Trên đây là toàn bộ bài viết liên quan đến bằng cử nhân là gì, hy vọng sau khi đọc xong bài viết bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức trong việc lựa chọn lĩnh vực học đại học và công việc của mình. Chúc các bạn luôn thành công!

Hồng An

Read more

6 sự thật không phải ai cũng biết về nghề makeup

Khi nghề makeup là sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn, bạn sẽ dễ dàng nghĩ rằng đó là một công việc hấp dẫn chỉ trải đầy hoa hồng, đầy triển vọng và hứa hẹn. Bạn có thể hô biến mọi khuyết điểm trên khuôn mặt trở nên hoàn hảo một cách tuyệt đối và làm cho mọi người trở nên xinh đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tế không chỉ có vậy.

Đằng sau nghề makeup được xem là hào nhoáng và lộng lẫy

Công việc của chúng tôi không chỉ là trang điểm

Bất kể là trang điểm cho cô dâu, cho diễn viên đóng phim hay người mẫu quảng cáo, luôn có những nhiệm vụ khác chúng tôi phải làm ngoài thoa kem nền, sử dụng kem che khuyết điểm, đánh phấn phủ, vẽ chân mày, kẻ eyeliner, sơn môi và đánh má hồng… Tư vấn cho khách hàng về kiểu tóc, trang phục, phụ kiện cho phù hợp với cách trang điểm, chuẩn bị tài liệu, hình ảnh về các phong cách trang điểm, trang phục, thay đổi layout cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng đến đặt lịch làm việc, thu tiền thanh toán… cũng là trách nhiệm của nhân viên trang điểm.

Chưa kể, với từng khách hàng mà bạn trang điểm thì công việc cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn, nếu trang điểm cho các diễn viên đóng phim, sau khi hoàn thành công việc mình phải ngồi đó suốt một ngày dài để thấm mồ hôi cho họ hoặc dặm lại phấn, son môi khi cần thiết. Danh sách này sẽ tiếp tục dài ra đối với những ai làm việc tự do, nghĩ là bạn phải tự tìm kiếm khách hàng, tự quảng bá hình ảnh, liên tục cập nhật các trend mới để không trở thành người tối cổ.

Giống như công việc của một giáo viên không kết thúc khi tiếng chuông tan học vang lên, công việc của một chuyên viên makeup không dừng lại khi lớp xịt khóa lớp trang điểm được hoàn tất.

Nguyễn Thúy Hằng – Chuyên gia trang điểm cho người nổi tiếng

6 sự thật không phải ai cũng biết về nghề makeup

Làm việc tại các cơ sở dịch vụ trang điểm có thể là lợi thế

Trong khi nhiều chuyên viên trang điểm làm việc tự do, một số người lại chọn làm việc tại các trung tâm làm đẹp. Bên cạnh sự ổn định, làm việc ở đây còn mang lại những lợi ích khác. Khi mới bắt đầu học việc, mình đã có nhiều cơ hội thực hành mà nhờ đó tay nghề nhanh chóng được nâng cao. Dễ gì khi làm việc tự do bạn có được cơ hội miễn phí đó, nếu không nói là phải tốn tiền để thuê mặt. Ngoài ra, mình cũng còn được công ty cập nhật về các xu hướng và kỹ thuật trang điểm mới nhất. Nhờ sự tương tác thường xuyên với các sản phẩm và khách hàng nên tụi mình rất tự tin vào trình độ của bản thân dù số năm làm việc chưa quá nhiều.

Trịnh Thị Ngọc Bích – Chuyên viên trang điểm tại các salon và spa

“Nghề makeup là một lĩnh vực hấp dẫn cho phép các cá nhân thể hiện sự sáng tạo, tài năng và niềm đam mê của mình đồng thời khiến người khác cảm thấy xinh đẹp hơn.”

Bạn sẽ có những khách hàng khó chịu và khó chiều

Chúng ta đang sống trong một thế giới có rất nhiều hướng dẫn trang điểm trên YouTube, Intasgram… đến nỗi những ai dành hơn 180 phút xem mỗi ngày đều cảm thấy như thể họ có thể tự tạo ra một xu hướng mới. Đó là lí do khách hàng thường bày tỏ ý kiến của họ về công việc của mình. Họ không đồng ý với kỹ thuật trang điểm của mình, khăng khăng rằng mình đã làm sai điều gì đó và buộc mình phải làm theo cách mà họ muốn. Nói thật lòng, những lúc như thế mình lại hoài nghi về khả năng bản thân, nghi ngờ về những gì đã được học từ trong thực tiễn đến các cây đa cây đề trong nghề makeup. Nhưng chợt nghĩ sao lại dễ dàng mất niềm tin vào công việc như thế và bình tĩnh nhẹ nhàng giải thích, đưa ra một số mẹo và thủ thuật chỉ người trong nghề biết để giúp họ hiểu lý do mình làm như vậy. Tự dưng đang từ trang điểm lại thành cô giáo ngang xương.

Và cũng may là bên mình còn có những khách hàng dễ thương, đáng mến và dễ chịu. Có những vị khách dường như có việc cần trang điểm, dù là tiệc lớn hay nhỏ hoặc chỉ là những buổi họp mặt bạn bè đều gọi cho mình. Khi mình thắc mắc tại sao chị không tự trang điểm vì dường như các “tuyệt chiêu” của mình chị đã biết gần 90% rồi thì chị bảo: “Em làm đẹp hơn chị chứ”. Được tin tưởng như vậy thì còn gì bằng!

Tô Thị Mỹ Dung – Giảng viên dạy trang điểm

Một bộ trang điểm hoàn chỉnh cần khá nhiều tiền

Nếu làm việc tại các trung tâm làm đẹp, bạn sẽ được hỗ trợ các công cụ trang điểm. Tuy nhiên, khi làm thêm hoặc làm việc tự do, bạn cần đầu tư các sản phẩm chất lượng trong bộ trang điểm của mình nếu muốn trở thành chuyên viên trang điểm hiện đại và được nhiều khách hàng đặt lịch. Ngay từ lúc nhìn thấy các sản phẩm hàng hiệu trong “túi đồ nghề” là bạn đã tạo được uy tín rồi. Khách hàng luôn muốn thấy các sản phẩm mới mẻ và sang trọng. Không ai muốn sử dụng Clinique khi biết rằng họ có thể có được lớp nền mịn màng, mượt mà như lụa từ Make Up Forever.

Nhưng nếu bạn không thể chi nhiều tiền khi mới bước vào nghề makeup thì cũng đừng quá lo. Có rất nhiều chuyên viên với tay nghề cao, kỹ thuật sáng tạo đã tạo nên những tác phẩm hấp dẫn với các sản phẩm bình dân và sau đó đã xây dựng nên những thương hiệu cao cấp. Người tiếp theo trong số đó hoàn toàn có thể là bạn.

Nguyễn Thị Hồng Nhung – Chuyên viên trang điểm

Những lời phản đối luôn “đồng hành” cùng bạn

Tôi không còn nhớ đã nghe biết bao nhiêu lời nói rằng nghề makeup chẳng có tương lai đâu và thường xuyên những câu nói đó xuất phát từ chính người thân trong gia đình. Với tôi cách trả lời tốt nhất là chứng minh đã họ sai. Với sự quyết tâm và đam mê, tôi đã bỏ ngoài tai những lời phản đối, những bình luận tiêu cực và vẫn vững bước đến với giấc mơ của mình.

Bước vào nghề rồi mới thấy, nhu cầu trang điểm không hề khan hiếm nếu có đủ kỹ năng phù hợp, thậm chí có thể điều hành studio làm đẹp nếu muốn “trở thành ông chủ của chính mình”. Tôi có hoài bão tạo nên thương hiệu riêng. Ước mơ này luôn nhắc nhở tôi rằng tôi đang làm việc cho chính mình và tôi là người duy nhất có thể biến nó thành sự thật.  

Đặng Duy Anh – Chuyên viên trang điểm tại các studio

Mệt mỏi trong công việc là điều không thể tránh khỏi

Bạn có hạnh phúc khi làm công việc của mình không? Mình thì có, thế nên mỗi lần trang điểm mình rất hào hứng và làm việc với hơn 150% sức lực. Mình không nghĩ gì khác ngoài việc làm những gì cần làm để khách hàng mỉm cười khi họ nhìn vào gương sau. Và không chỉ là trang điểm trong im lặng, mình luôn mang đến các câu chuyện vui để khách hàng có được thời gian thư giãn nhất. Trông mình lúc đó tràn đầy năng lượng tích cực, nhưng ai biết đâu sau đó mình te tua ra sao.

Bạn có thể tưởng tượng, mình thức dậy từ 1 giờ sáng, trang điểm cho 5 người trong một đám cưới kể cả cô dâu hay làm một ngày 10 tiếng cho một quảng cáo, mệt mỏi đến cơm cũng chẳng muốn ăn dù đói rã ruột. Vậy đó, cứ vào mùa cao điểm là mình chẳng khác nào zoombie. Nhiều khi nhìn vào túi trang điểm là sợ chứ đừng nói chi đến trang điểm cho ai đó. Mệt mỏi là vậy nhưng nhìn vào những hình ảnh long lanh của khách hàng, nhìn vào những dòng tin nhắn cảm ơn là lòng yêu nghề lại quay trở lại ngay.

Thái Thu Phương – Trang điểm tự do

Có rất nhiều người hào hứng bước chân vào nghề makeup nhưng đã hoàn toàn từ bỏ và biến mất khỏi ngành chỉ sau một năm. Hầu hết là vì họ chưa cân nhắc hoặc chưa nghĩ đến những góc khuất đằng sau. Trang điểm là công việc thú vị và bổ ích, nhưng nó còn có nhiều điều hơn thế. Hãy tìm hiểu kỹ để có cái nhìn sâu sắc trước khi quyết định dấn thân nhé.

Huỳnh Trâm

Read more